Để vào trực tiếp Ketquabongda.com cần cài App VPN
Giải đấu

Vô địch V-League khó thế nào?

01/06/2020 21:35

Màn trình diễn của CLB Hà Nội ở trận đầu tiên sau giai đoạn tạm ngưng vì Covid-19 cho thấy họ không có dấu hiệu chán chê danh hiệu. Và giấc mơ vô địch của những CLB khác vì thế càng xa vời.

Các cầu thủ Hà Nội mừng chiến thắng 3-0 trước Đồng Tháp ở vòng 1/8 Cup Quốc gia 2020 chiều 31/5
Các cầu thủ Hà Nội mừng chiến thắng 3-0 trước Đồng Tháp ở vòng 1/8 Cup Quốc gia 2020 chiều 31/5

 

V-League 2020 sẽ không diễn ra theo cách thông thường. Sau hai vòng đầu không khán giả, giải tạm ngưng suốt từ tháng 3. Khi tái diễn từ cuối tuần này, nó sẽ được rút ngắn và chuyển sang thể thức hai giai đoạn khác nhau - tức là, đá một lượt để chọn sáu đội tranh vô địch và tám đội tránh xuống hạng.

Từ đó, có những cơ sở để nghi ngờ khả năng thống trị của CLB Hà Nội. Việc ngưng thi đấu dài hạn có thể khiến các cầu thủ Hà Nội tuột phong độ, bên cạnh cảm giác "no nê" sau năm chức vô địch. Bên cạnh đó, vì một sự kém may mắn nào đó, CLB Hà Nội không thể lọt vào nhóm đua tranh ngai vàng sau khi kết thúc giai đoạn một. Trong lịch sử 11 mùa góp mặt ở V-League đã hai lần Hà Nội nằm ngoài top 8 sau nửa chặng đường đầu tiên.

Nhưng, cũng có một thực tế là vô địch Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng, kể cả khi không có Hà Nội.

Tính từ khi ra đời (2002), V-League đã trải qua 18 mùa giải với tổng cộng 35 đội bóng khác nhau. Nhưng đến nay, chỉ tám đội từng vô địch (tỷ lệ là 28%). Trong tám cái tên này, Hà Nội, Cảng Sài Gòn, Quảng Nam, Đà Nẵng, SLNA vốn là những đội bóng hay địa phương có truyền thống, từng vô địch quốc gia trước đó. Trong ba đội còn lại, Bình Dương (gốc Sông Bé) hay Đồng Tâm Long An cũng nằm ở những địa phương có thời gian dài huy hoàng. Chỉ HAGL là khác biệt. Họ không có truyền thống, mà vừa thăng hạng đã vô địch. Đây là kỷ lục chưa đội nào làm được suốt chiều dài lịch sử của bóng đá Việt Nam từ 1980.

Trước khi V-League ra đời, 16 giải vô địch quốc gia đã qua ghi nhận 10 cái tên khác nhau từng lên ngôi. Riêng ở TP HCM, có đến ba đội Cảng Sài Gòn, Công an TP HCM và Hải Quan. Chức vô địch cũng "cơ cấu" đều theo vùng miền như các danh hiệu của Đồng Tháp (miền Tây), Dệt Nam Định (Bắc Bộ), Quảng Nam – Đà Nẵng (Miền Trung), hay theo Bộ nghành  (Hải Quan, Công an, Quân Đội, Đường Sắt)... Nhìn chung, khả năng vô địch trước khi V-League ra đời cao hơn nhiều so với giai đoạn các doanh nghiệp bỏ tiền làm bóng đá, mức độ "máu lửa" hơn hẳn.

Đó là mới nói về tỷ lệ "chọi". Với từng đội bóng, cơ hội vô địch thậm chí còn nhỏ hơn nhiều. 

CLB Quảng Nam – Đà Nẵng bắt đầu dự giải VĐQG từ năm 1984, và đến năm 1992 đã được ăn mừng danh hiệu đầu tiên. Nhưng sau khi tách tỉnh, phải đến mùa 2009 chức vô địch quốc gia mới về lại dải đất miền Trung này và cũng phải đến năm 2017, "người anh em" Quảng Nam mới lần đầu tiên đăng quang. Suốt quãng thời gian đó, cả Đà Nẵng lẫn Quảng Nam ít nhất hai lần phải xuống chơi ở giải hạng Nhất. Nếu không có sự tham gia của bầu Hiển, khó nói là bóng đá xứ Quảng Đà đã tái hồi vinh quang sớm như vậy.

SLNA là ví dụ khác. Đây là đội bóng duy nhất chưa từng xuống hạng kể từ khi lên đá ở hạng cao nhất năm 1989 với cái tên Sông Lam Nghệ Tĩnh. Nhưng đến nay, đội bóng đóng góp nhiều nhất về con người cho bóng đá Việt Nam vẫn chỉ giành ba chức vô địch sau 31 năm thi đấu đỉnh cao liên tục. Tương tự là trường hợp của HAGL. Từ khi thăng hạng và vô địch năm 2003 đến nay, cũng đã gần 20 năm, nhưng đội của bầu Đức chỉ giành hai danh hiệu và lần gần nhất đã cách đây 16 năm. Thế nên, việc chỉ mất 10 năm đá V-League mà Hà Nội đã giành đến 5 chức vô địch quả là một kỳ tích. Số lượng danh hiệu này ngang với Thể Công (CLB Quân Đội) sau 22 mùa giải.

Nhưng dù sao, các đội bóng kể trên cũng ít nhất một lần chạm tạy vào vinh quang. Có những đội chỉ "mơ" vô địch quốc gia trong mỏi mòn của nhiều thế hệ. Đó là hai trường hợp khá đặc biệt của làng cầu nước nhà: Hải Phòng và Thanh Hóa.

Bóng đá Hải Phòng rất giàu truyền thống, tài năng và cá tính. Nơi này cũng sản sinh hàng loạt HLV lừng lẫy trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thế nhưng họ chưa từng vô địch Việt Nam dù có mặt ngay ở giải vô địch quốc gia đầu tiên năm 1980 với đại diện là Cảng Hải Phòng. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, với nhiều đại diện khác nhau như Cảng, Điện Lực, Công an Hải Phòng... nhưng đến nay, thành tích tốt nhất của họ là vị trí á quân V-League vào các năm 2010, 2016 cũng như thất bại ở trận chung kết tranh chức vô địch trước Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1992. Nghĩa là, đã 40 năm trôi qua, với khoảng 33 mùa có đại diện dự giải VĐQG, tỷ lệ vô địch của bóng đá đất Cảng vẫn là 0%.

Ở hai mùa về nhì gần nhất, Hải Phòng đều có ưu thế nhất định trong cuộc đua với Hà Nội, nhưng chỉ cần hụt chân ở một trận đấu trong các vòng cuối, cả hai đội bóng do HLV Vương Tiến Dũng và HLV Trương Việt Hoàng đều cay đắng nhìn Hà Nội đăng quang với khoảng cách chỉ một điểm (2010) cũng như hiệu số thắng bại (2016). Chưa kể, đó là hai danh hiệu vô địch kém thuyết phục nhất, bị nghi ngờ nhiều nhất của Hà Nội khi họ không hề chơi tốt, chơi đẹp hơn đối thủ. Cả hai mùa đó, Hải Phòng đều hơn Hà Nội về số bàn thắng, thậm chí còn có số trận thua ít hơn (2016).

Trường hợp của Thanh Hóa cũng có thể xem là tương tự, dù xét về số thời gian chơi ở giải cao nhất không bằng Hải Phòng. Tuy nhiên, kể từ khi lấy suất đá V-League được Thể Công trao cho năm 2010, Thanh Hóa có đến bốn mùa đứng trong top 3 và  ít nhất ba mùa đua tranh chức vô địch với Bình Dương và Hà Nội đến phút cuối. Những cầu thủ tốt nhất, các HLV lão làng như Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Ljupko Petrovic (từng vô địch C1 châu Âu)... đã đến đây và thất bại.

Có những mùa, Hải Phòng hay Thanh Hóa được "bật đèn xanh", muốn chi bao nhiêu tiền để tăng cường lực lượng cũng được, miễn là phải vô địch. Có mùa, ngân sách dành cho Hải Phòng được cho là lên đến 100 tỷ đồng, thậm chí còn "bao trọn" một đài truyền hình cáp để phát toàn bộ các trận đấu ở Lạch Tray. Nhưng họ vẫn không thể một lần đăng quang. Lúc này, điều đó càng xa xăm.

Vì danh hiệu vô địch liên tiếp đến với Hà Nội, trong khi những đội bóng được đầu tư không kém thì cứ mãi xa tầm tay, nên bầu Đức mới tuyên bố không nghĩ đến chuyện vô địch nữa. Ông còn chua chát nói rằng "một ông mập đánh sao lại 5 ông ốm" - ý nói đến ưu thế vượt trội của Hà Nội nhờ "mối quan hệ" với một số đội bóng. Nhưng, lịch sử cho thấy trước khi Hà Nội thật sự mạnh và có những đội bóng vệ tinh, vô địch V-League chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Theo: VNEXPRESS

Từ khóa: CLB Ha Noi
x
Bạn Muốn Tắt Quảng Cáo